LightBlog

Nhạc sĩ Trúc Giang - Sự khởi đầu của một gia đình âm nhạc


Trước hết, để hiểu về nhạc sĩ Trúc Giang, hãy nghe nhạc sĩ Trúc Hồ nói về người cha của mình. Theo anh, sẽ không có nhạc sĩ Trúc Hồ nếu không có ông bố là nhạc sĩ Trúc Giang. Ông là người thầy âm nhạc đầu tiên của anh, đã dạy cho anh đánh trống, đánh guitar. Sinh nhật 8 tuổi của anh Trúc Hồ đã được cha mình tặng cho một cây đàn keyboard điện. Lớn lên một chút, chạy theo niềm đam mê nhạc, anh Trúc Hồ thích nhiều cây đàn khác nhau. Mà hễ anh thích cây nào, là cha anh lại mua cho cây đó, bất kể hoàn cảnh kinh tế gia đình. Chính bác Trúc Giang đã tìm cho anh Trúc Hồ rất nhiều các thầy dạy nhạc khác nhau, biến anh thành một dạng “Quách Tĩnh” trong âm nhạc, với “võ công” từ nhiều trường phái khác nhau. Một trong những người thầy đặc biệt nhất mà anh Trúc Hồ nhớ mãi, đó là đại tá Trần Văn Tín, người chỉ huy cao nhất của dàn quân nhạc của quân lực VNCH. Anh Trúc Hồ đến giờ vẫn không hình dung ra nổi làm sao cha có thể “gởi gấm” mình cho một nhân vật quan trọng đến thế. Rồi cũng vì thấy con mình không thể chơi nhạc trong chế độ cộng sản, bác Trúc Giang đã bỏ tiền, sắp xếp để cho anh Trúc Hồ vượt biên sang Mỹ, để có được một sự nghiệp âm nhạc như ngày hôm nay.

Chuyện “cha là nhạc sĩ thì con sẽ thành nhạc sĩ” nghĩ cũng bình thường. Nhưng câu chuyện của nhạc sĩ Trúc Giang thì lại là một câu chuyện đầy sự phấn đấu, với nhiều bài học đời đáng suy gẫm. Bác Trúc Giang xuất thân từ một gia đình làm nghề chài, quê ở Trúc Giang, Bến Tre. Đến một ngày nọ, bác có chí nguyện là mình phải lên Sài Gòn lập nghiệp để “đổi đời cho con cái”. Lên Sài Gòn chỉ với một ý chí đổi đời, một tấm lòng yêu nhạc, bác đã phải bôn ba vừa làm quen với đời sống phố thị “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”, vừa phải đi làm, vừa tìm cơ hội học nhạc.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1962, bác Trúc Giang đọc báo Chiến Sĩ Cộng Hòa thấy có đăng tuyển nhạc sinh quân đội, bác quyết định thử thời vận. Bác còn nhớ là ngày đi xin dự thi, các thí sinh xếp hàng rồng rắn, bác thấy “khớp” quá, không biết mình có đậu nổi hay không? Tham dự kỳ thi, mà bác không hề tin là mình có cơ may trúng tuyển, nên không để ý để kết quả thông báo của kỳ tuyển sinh. Rồi tình cờ sau đó khá lâu, bác xem kết quả thì thấy mình đậu! Mừng quá, bác đến trình diện xin nhập học, thì mới biết là mọi người nhập học cả tháng rồi. May mà viên sĩ quan tuyển dụng thương tình, chấp nhận cho bác vào học trễ. Bác còn nhớ ngày nhập học là ngày 1 Tháng 3, tại trường Quân Nhạc Thủ Đức, ngay ở chợ Thủ Đức bây giờ.

Ước mơ đổi đời đã bắt đầu thành hiện thực từ đó. Ra trường, bác tốt nghiệp thủ khoa, trở thành tay trống trong dàn quân nhạc. Bác đã từng phục vụ ở Sư Đoàn 5, sau đó được điều về Phủ TỔng THống. Từ đó, cuộc sống gia đình trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Bác Trúc Giang còn có cơ hội chơi trống ở các phòng trà Sài Gòn để kiếm thêm thu nhập. Ít ai biết rằng bác là một trong những tay trống Jazz giỏi nhất Miền Nam trước 1975. Đến năm 1968, biến cố Mậu Thân biến Miền Nam thành một chiến trường tan tóc, các phòng trà Sài Gòn đã phải đóng cửa. Bác quyết định mở lớp nhạc tại nhà, để dạy trống, dạy guitar. Ai ở khu vực đường Trần Bình Trọng Quận 5 trước 1975, hẳn đều quen thuộc với lớp nhạc Trúc Giang, nằm trong con hẻm 120 đường Trần Bình Trọng, đối diện với nhà thờ Chợ Quán. Không ngờ sự nghiệp dạy nhạc của bác còn thành công hơn nữa. Hình như bác có duyên với chuyện dạy nhạc hơn là chơi trong ban nhạc. Và ngày bác mở lớp nhạc đầu tiên cũng là ngày 1 Tháng 3.

Nhạc sĩ Trúc Giang không phải là người chuyên sáng tác. Bác nhớ lại sáng tác đầu tay của mình là bản Khúc Nhạc Buồn, sáng tác từ năm 1959. Bản nhạc mang âm hưởng mộc mạc của làn điệu dân ca Miền Nam, của câu hò xứ Bến Tre. Và đó là một trong hai bản nhạc mà bác đã sáng tác vào trước năm 1975. Sau này, khi đã sang Mỹ, bác mới có dịp sáng tác nhiều hơn. Theo bác, làm việc cho đài SBTN, được tiếp xúc với nhiều giới, biết nhiều chuyện ở cộng đồng; rồi làm việc từ thiện với Nhóm Sưởi Ấm, nhờ vậy mà bác có nguồn cảm hứng để sáng tác. Khi là câu chuyện tình của một người nhạc sĩ. Khi thì câu chuyện kể về một người lính hào hùng. Nhạc của bác Trúc Giang là những chủ để rất thực. Đặc biệt, trong đề tài cộng đồng, nhạc của bác kêu gọi chính nghĩa, có tính chất thẳng thắn, trung thực. Cái cách của một cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào, khi làm thơ mà “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nghĩa khí của nhân sĩ Miền Nam là như vậy.

Năm nay bác Trúc Giang đã gần 80 tuổi. Ngẫm lại, bác thấy trong cuộc đời mình, ngày 1/3 là một ngày đặc biệt. Ngày 1/3, bác lần đầu tiên đi học quân nhạc. Ngày 1/3, bác mở lớp nhạc Trúc Giang đầu tiên. Ngày 1/3, bác được sang Mỹ đoàn tụ cùng con cháu. Ngày 1/3, bác dọn vào căn nhà mới ở Cali, mà đang ở đến tận ngày nay. Ngày 1/3, bác thành lập Nhóm Sưởi Ấm, thực hiện các công việc nhân ái để trả ơn đời. Bác nhận ra cuộc đời của một người có số phần, do Chúa định đoạt. Bác cảm ơn Chúa, cảm ơn đời về những gì mình đã làm được cho gia đình, cho con cháu. Bác khuyên thế hệ con cháu rằng hãy sống nhẫn nhục, thiệt thà, Chúa sẽ không bỏ quên đâu.

Câu chuyện về nhạc sĩ Trúc Giang hình thành nên một gia đình âm nhạc là vậy. Một tấm gương về sự dấn thân của các bậc cha mẹ Việt Nam, mở đường tương lai cho thế hệ con cháu. Một ước mơ nuôi dưỡng nghệ thuật hướng thiện trở thành hiện thực. Câu chuyện cho chúng ta một thông điệp hy vọng: những tấm lòng nhân nghĩa vẫn luôn có chỗ đứng trong cộng đồng người Việt. Nếu trong nước không còn đất sống cho một nền văn nghệ chân thiện mỹ, thì những người như nhạc sĩ Trúc Giang và thế hệ con cháu vẫn có thể nuôi dưỡng nó ở bên bầu trời văn nghệ tự do của xứ Mỹ.

Cung Mi / SBTN
Nhạc sĩ Trúc Giang - Sự khởi đầu của một gia đình âm nhạc Nhạc sĩ Trúc Giang - Sự khởi đầu của một gia đình âm nhạc Reviewed by Ngô Hoàng Minh on 11/06/2016 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

ads